Thứ Tư, 26 tháng 12, 2012

Kinh nghiệm xây nhà cao tầng trên nền đất yếu

Kinh nghiệm xây nhà cao tầng trên nền đất yếu

Ở Nam Sài Gòn có nhiều khu vực nền đất yếu, thậm chí có nơi người dân còn gọi là “đất không chân”, nhưng ở đây vẫn có nhiều nhà cao tầng mọc lên, nhất là khu vực Phú Mỹ Hưng (ảnh). Các tòa nhà này bền vững theo thời gian, chất lượng ổn định, không bị hư hỏng như những tòa nhà tương tự ở khu vực khác.
Thường khi xây dựng công trình trên nền đất có lớp đất sét dày sẽ gặp hai vấn đề: một là sức chịu tải do chống lực, hai là lún do nền đất chịu sức ép lớn. Trước đây các công ty xây dựng trong khu vực này đã thử xây dựng công trình nhiều tầng theo giải pháp đóng cừ tràm móng như các công trình thường sử dụng tại Việt Nam trước đây và thử xây dựng công trình móng bè nổi. Toàn bộ các giải pháp móng có độ sâu không lớn đều thỏa mãn được sức chịu tải nhưng không giải quyết được vấn đề lún, chỉ có cọc móng (có độ sâu lớn) mới có thể đồng thời giải quyết được vấn đề lún và sức chịu tải. Do đó, các công trình móng nhà trong khu phát triển trung tâm đô thị mới Nam Sài Gòn, chủ yếu sử dụng dạng thiết kế cọc móng định hình như cọc vuông bêtông đúc sẵn 250/250, 300/300, 350/350, 400/400, và các cọc này được tập trung sản xuất tại xưởng bêtông mà công ty xây dựng cùng hợp tác đầu tư và kiểm tra, quản lý chất lượng rất chặt chẽ.


Về cơ bản, các công trình tại đây không sử dụng cọc cừ tràm, móng nhà và cột nhà được xây dựng theo nguyên tắc trên dưới tương xứng. Riêng tòa nhà Lawrence S.Ting- văn phòng làm việc của Công ty Liên doanh Phú Mỹ Hưng - đã sử dụng cọc nhồi chống sức đẩy nổi. Do các công trình xây dựng ngày càng cao, tải trọng ngày càng lớn, trong thời gian tới các kỹ sư dự kiến sử dụng cọc tròn bêtông dự ứng lực và cọc nhồi đường kính lớn cho các công trình sau này.

Phương pháp thi công móng công trình: Đối với công trình có hai tầng hầm như cao ốc Lawrence S.Ting, độ sâu đào đất tầng hầm là -11 m. Khi thi công đào đất tầng hầm, các kỹ sư sử dụng biện pháp bảo vệ bằng tường chắn đất và thanh chống bêtông, tường chắn đất này làm kết cấu bảo vệ lâu dài cho tầng hầm, sau khi tiến hành xử lý kỹ thuật bề mặt tường chắn đất sẽ đổ thêm tường bêtông cốt thép dày 200 mm kề với tường chắn đất và tiến hành xử lý chống thấm theo giải pháp chống thấm kết hợp thoát nước, đạt hiệu quả rất tốt.

Đối với công trình có một tầng hầm và công trình chỉ có nửa tầng hầm, khi thi công đào đất sử dụng biện pháp bảo vệ đơn giản, tạo mái dốc và làm thanh chống cục bộ, áp dụng giải pháp chống thấm bao bọc bên ngoài và bản thân kết cấu tự chống thấm cho tầng hầm, giải pháp này cũng đạt hiệu quả tốt. Nền nhà của công trình không xây trực tiếp trên nền đất yếu mà xây sàn rỗng bêtông cốt thép để tránh hiện tượng lún nền nhà xảy ra. Mặt khác, để tránh lún tại các công trình phụ nằm xung quanh công trình chính, các kỹ sư sử dụng biện pháp tạo khe lún để tách riêng công trình và xử lý tăng cường bảo vệ kịp thời. Về công trình đường, họ sử dụng biện pháp dự trù độ lún nền đường, ban đầu chỉ làm mặt đường tạm, sau khi nền đường lún ổn định mới làm mặt đường chính thức.

Về mặt quản lý chất lượng: công trình ở đây được duy trì theo hướng phát triển chất lượng sản phẩm cao nhất. Trong quá trình xây dựng, công ty xây dựng áp dụng rất nhiều biện pháp khống chế có hiệu quả, chẳng hạn như tập trung một địa điểm trộn bêtông và gia công cốt thép, còn các vật tư chính sẽ được tập trung do chủ đầu tư mua và cung cấp cho đơn vị thi công. Do những biện pháp quản lý nghiêm ngặt và chủ đầu tư trực tiếp cung ứng vật tư đến tận công trình với việc tổ chức giám sát của chủ đầu tư và tư vấn giám sát, từ đó tất cả các công trình đều thi công đúng tiến độ, đúng chất lượng, đúng thiết kế và điều đó đã chứng minh các công trình xây dựng nhà ở nói chung và nhà cao tầng trên nền đất yếu nói riêng đảm bảo được chất lượng.

Về kỹ thuật thi công: các công ty xây dựng ở đây áp dụng kỹ thuật chống sạt lở khi đào hố móng có độ sâu lớn và đào đất mềm với tốc độ nhanh, kỹ thuật dựng cốp pha kích cỡ lớn, bêtông có tính năng và cường độ cao, sử dụng phổ biến cốt thép cường độ cao, kỹ thuật nối cốt thép đường kính lớn, sử dụng cốp pha và dàn giáo kiểu mới, thi công dự ứng lực không kết dính... Ngoài ra, họ cũng đưa vào kỹ thuật mới xử lý nước thải oxy hóa... Ngoài ra, họ còn đưa vào máy ép cọc tự chuyển động có tải trọng lớn; kỹ thuật khung lưới cốt thép, cọc tròn bêtông dự ứng lực...

Về mặt nghiệm thu công trình: trong quá trình thi công, chủ đầu tư mời kỹ sư của đơn vị giám sát tiến hành trực tiếp giám sát tại hiện trường, nghiệm thu công trình che khuất, nghiệm thu từng bộ phận, từng hạng mục và nghiệm thu sơ bộ hoàn công công trình. Sau khi nghiệm thu sơ bộ được thông qua, chủ đầu tư, đơn vị giám sát và nhà thầu cùng tiến hành nghiệm thu, sau khi đạt yêu cầu sẽ mời các ban ngành liên quan của Nhà nước tiến hành nghiệm thu hoàn công, toàn bộ công trình chỉ được bàn giao sau khi nghiệm thu đạt yêu cầu.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét