Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2013

Về Quê Với Ngôi Nhà Đầy Hương Sắc


Về quê với ngôi nhà đầy hương sắc - Chỉ cần vượt qua hơn 30km từ Hà Nội, bạn có thể chiêm ngưỡng khu vườn gần 5.000m2 “có hương, có sắc, có thiên nhiên”.
 “Quê” ở đây là một vùng bán sơn địa, tuy vẫn thuộc Hà Nội nhưng lại gần Hoà Bình cũ. Chủ nhân của căn nhà này đã mua đất từ gần mười năm trước và trồng ở đó một vườn cây.  Khi vườn cây mười năm tuổi cũng là lúc những con đường đã mở. Bây giờ, chỉ cần hơn 30km từ Hà Nội, họ có thể đến được khu vườn gần 5.000m2 “có hương, có sắc, có thiên nhiên”.

altCác khối nhà sinh hoạt bao quanh khu trung tâm chỉ ngăn cách bằng những con đường nhỏ
Nhiệm vụ của người kiến trúc sư là làm sao thiết kế một ngôi nhà sống chung với thiên nhiên đã có sẵn.

KTS đã chọn cách bố trí theo dạng kiến trúc phân tán kiểu Bắc bộ, tức là chia nhà thành nhiều khu với các chức năng khác nhau. Nhà Bắc bộ cũ thường có nhà chính, nhà bếp, khu chăn nuôi nằm riêng trong một khu vườn. Trong ngôi nhà này, nhà chính là một căn nhà bằng gỗ cũ dùng làm phòng khách và nằm ở vị trí trung tâm cho cả khu. Ngôi nhà chính bằng gỗ ở giữa nhìn chính diện ra hồ, còn các khối nhà chức năng khác bao xung quanh. Giữa các khối là các lối đi xen kẽ theo kiểu đường làng ở vùng này, vừa dễ dàng di chuyển vừa tạo ra khoảng trống ở giữa, tăng cường gió tự nhiên và ánh sáng cho các không gian ở. Tất cả nằm giữa vườn cây gồm nhãn, vải, hồng xiêm bao xung quanh. Để mới - cũ hài hoà với nhau, ngôi nhà cũ được bọc lại trong các bức vách gạch đỏ cùng màu với màu ngói hài có sẵn của căn nhà. Màu đỏ làm nổi bật tính chất trung tâm của khối nhà này. Tuy được mặc chiếc áo khoác mới nhưng ngôi nhà gỗ vẫn giữ nguyên vẹn không gian gỗ với cột kèo.
alt
Bên trong nhà gỗ là nơi lưu giữ những đồ sưu tầm của chủ nhân
Ở vùng bán sơn địa gần núi đá vôi này thì đá vôi là vật liệu xây dựng được sử dụng nhiều. Những “viên gạch” này đã tỏ ra thích nghi với khí hậu ẩm, nhiều gió, lạnh về mùa đông và có bão mùa hè từ nhiều đời nay. Tuy nhiên, vật liệu tại chỗ - những ngôi nhà xây bằng tường đá vôi vẫn bộc lộ nhược điểm là ẩm ướt, nhất là những ngày mưa mùa đông. KTS Hoàng Minh quyết định chọn cách xây dựng “hai lớp da” cho ngôi nhà này. Bên ngoài là tường đá, vừa vững chãi vừa quen thuộc, lớp bên trong là tường gạch, đảm bảo có một không gian sống hiện đại. Các khối nhà đều được bọc đá, tường nhà thêm độ cách âm, cách nhiệt làm mát bên trong nhà. Bề mặt đá xù xì sẽ là điều kiện thuận lợi để cho dây leo bao phủ bức tường trở thành những bức tường xanh.

Ánh sáng được chú trọng khai thác các dạng của ánh sáng tự nhiên tại mỗi không gian với hàng loạt cửa sổ với bậu cửa sâu để đưa ánh sáng vào và hút gió. Các vách tường và nóc nhà có các khe dài trổ theo từng khu vực sử dụng đưa thêm ánh sáng vào bên trong.

Một ngôi nhà nghỉ ở vùng bán sơn địa, giữ được nét đặc trưng địa phương mà vẫn là một không gian hiện đại, tiện nghi. Một không gian trong lành, quen thuộc, phù hợp với khoảng lặng nghỉ ngơi, một không gian sống chậm.

Một không gian có thời gian chiêm nghiệm và biết đâu, có thể tìm được chút chia sẻ, đồng cảm nào đó với thi sĩ ngày xưa khi ngâm nga “Kinh kỳ bụi quá xuân không đến/ Sao chẳng về đây, chẳng ở đây?”
alt
alt
Những khối nhà vuông vức nằm rải rác trong khu vườn cây ăn trái
alt

alt
Ngôi nhà gỗ làm trung tâm gần như được giữ nguyên vẹn. Nhà gỗ cũng là phòng khách nhìn ra hồ sen.
alt
Các khu chức năng được tách biệt hoàn toàn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét